Nữ diễn viên Hồng Diễm không dùng đòn roi để dạy con, hình phạt nặng nhất cho hai con là úp mặt vào tường để suy nghĩ về việc đã làm sai.
Trong quá trình giáo dục con trẻ, các hình thức kỷ luật, trừng phạt trẻ sao cho hiệu quả, lại không gây tổn thương tâm lý cho con đang là một vấn đề khiến các bậc làm cha, làm mẹ suy nghĩ. Phạt trẻ úp mặt vào tường là một hình thức của phương pháp kỷ luật Time-out. Đây được coi là một phương pháp không bạo lực để chỉnh đốn hành vi của trẻ mỗi khi con làm sai, có một hành vi không phù hợp.
Nữ diễn viên xinh đẹp Hồng Diễm hiện là mẹ hai con và cũng áp dụng phương pháp này để giáo dục các con thay vì dùng đòn roi.
Nổi tiếng ở mảng phim truyền hình phía Bắc, vài năm trước, Hồng Diễm được các đạo diễn ưu ái, liên tục giao những vai chính trong các bộ phim ăn khách, tuy nhiên, thời điểm đó người đẹp hạn chế nhận nhiều dự án vì muốn dành nhiều thời gian để chăm sóc các con và gia đình.
Người đẹp lập gia đình khá sớm khi chỉ mới 25 tuổi, cô cho biết đó là một may mắn vì hiện tại con cái đã lớn, nếu cô muốn nhận một dự án phim mới thì cũng yên tâm để tập trung cho công việc.
Hiện nữ diễn viên có một cậu con trai 14 tuổi và con gái 10 tuổi, mẹ hai con xinh đẹp thường xuyên khoe ảnh các con lên trang cá nhân. Đặc biệt là cô út thường xuyên tham gia các quảng cáo cùng mẹ, được khen thừa hưởng nhiều nét đẹp từ Hồng Diễm.
Gia đình “đủ nếp đủ tẻ” của diễn viên Hồng Diễm.
Được biết, Hồng Diễm luôn theo sát việc chăm sóc, dạy dỗ con từ nhỏ đến lớn, đặc biệt với những lỗi sai của con thì cô sẽ nghiêm khắc xử phạt. Bà mẹ hai con cho biết mỗi khi con không nghe lời hoặc làm sai thì hình phạt nặng nhất là cho úp mặt vào tường để hối lỗi. Cô không dùng đòn roi vì sợ làm tổn thương con cả về thể xác lẫn tinh thần. Hoặc nếu trong cơn nóng giận quá thì cô cũng chỉ dùng tay tét nhẹ vào mông con chứ tuyệt đối không dùng đến roi.
Bà mẹ hai con không dùng đòn roi trong việc dạy con.
Ngoài việc dùng hình phạt “nguội” để dạy con thì Hồng Diễm cũng chọn chủ trương sẽ là một bà mẹ biết lắng nghe con cái chứ không áp đặt. “Tôi muốn các con phát triển theo hướng tự nhiên nên để bé chủ động, tự quyết định mọi việc. Khi con còn bé, tôi sẽ cho con gái trải nghiệm các lớp ngoại khóa như đàn, hát, vẽ, khám phá tự nhiên,… Con trai thì học võ, chơi tennis, bóng rổ, bóng đá. Sau đó sẽ để bé chọn môn mình thích, chứ không ép buộc hay tạo áp lực cho con”, cô nói.
Nữ diễn viên chủ trương nuôi con theo cách tự nhiên nhất.
“Tôi tin rằng sẻ chia và thấu hiểu là chìa khóa để tôi và các con trở thành bạn bè. Mỗi quyết định nghiêm khắc của mình cũng thật sự thấu đáo mà không mang tính áp đặt”. – Bà mẹ hai con nói thêm về quan điểm dạy con.
Trên thực tế, hiện có nhiều phụ huynh cũng áp dụng phương pháp dạy con Time-out, nghĩa gốc của nó là thông qua cách nào đó để những đứa trẻ bình tĩnh lại, suy nghĩ về hành vi của mình mà không cần dùng đến bạo lực.
Dưới đây là những gợi ý về hình phạt theo phương pháp Time-out mà phụ huynh có thể áp dụng trong quá trình giáo dục trẻ:
Phạt ngồi nguyên tại chỗ
Đây là hình phạt hiệu quả cho những trẻ quá hiếu động. Chỗ xử phạt là một chiếc ghế có ghi tên trẻ chẳng hạn. Lúc phạt bạn cần quy thời gian. Chỗ phạt là chỗ không đối diện với cửa sổ, không có người qua lại, thời gian phạt không quá dài (tốt nhất là cho trẻ tự giác chọn thời gian). Khi phạt xong, hãy để cho trẻ nói rõ nguyên nhân tại sao chúng bị phạt.
Phạt trẻ làm việc nhà
Dùng cách này đối với trẻ từ 7-10 tuổi. Bạn hãy nói cho con biết, bạn không hài lòng khi con vẽ lung tung, để đồ chơi, đồ đạc bừa bãi,… và sẽ phạt khi trẻ vi phạm. Hãy chuẩn bị cho trẻ chổi, khăn lau và chỉ cho trẻ cách dọn dẹp, lau nhà cửa, bàn ghế. Trong lúc trẻ làm việc nhà cha mẹ cần phải theo dõi, nhắc nhở, hướng dẫn và đảm bảo an toàn cho trẻ.
Sau đó, bạn hãy cùng trẻ sắp xếp lại đồ đạc gọn gàng. Khi phạt xong, bạn cần phải hỏi xem trẻ đã học được gì sau khi dọn nhà cửa.
Viết ra giấy lỗi của mình
Nếu trẻ làm sai việc gì, bạn hãy cho trẻ ngồi vào bàn cùng với giấy bút và yêu cầu trẻ viết ra những suy nghĩ về việc mình làm sai. Người lớn cần phải bình tĩnh để hiểu những gì trẻ viết ra những suy nghĩ của trẻ khi mắc lỗi. Đây là cách xử lý nên làm vì không làm tổn tương đến lòng tự trọng của trẻ.
Úp mặt vào tường
Chỗ phạt không nên có người qua lại để tránh làm tổn thương trẻ. Thời gian phạt không nên quá lâu, nếu không sẽ làm cho trẻ lì lợm hơn. Sau khi phạt, hãy hỏi trẻ nguyên nhân bị phạt để trẻ biết rõ mình làm sai điều gì.
Cấm một số quyền lợi hay yêu cầu của trẻ
Khi trẻ làm sai hoặc mắc lỗi bạn có thể phạt trẻ bằng cách cấm trẻ động đến những thứ chúng thích ăn, thích chơi,…Tuy nhiên, bạn cần phải nghiêm túc thực hiện mệnh lệnh của mình, không được nhượng bộ trẻ. Hãy để cho trẻ hiểu vì sao bố mẹ làm như vậy, nếu trẻ có biểu hiện tốt thì sẽ trả lại những quyền lợi của trẻ.