Nhiều năm nay, Nhà hát Tuổi trẻ đều diễn loạt vở kịch của Lưu Quang Vũ. Với kịch bản đặc sắc, dàn diễn viên đa tài, duyên dáng, khán giả luôn thấy "đã cơn khát" khi tới rạp thưởng thức.
NSƯT Sĩ Tiến - Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ cho biết, nhiều năm qua, mùa kịch Lưu Quang Vũ đã trở thành thương hiệu nghệ thuật đặc sắc của vị này. Những tác phẩm của Lưu Quang Vũ luôn hiện hữu những va đập, đầy ắp trăn trở của một người thương yêu cuộc đời.
"Mỗi vở kịch của Lưu Quang Vũ tại Nhà hát Tuổi trẻ đều mang trong mình những khát khao sáng tạo của các nghệ sĩ khi đứng trước thách thức làm mới mình trong việc ứng xử với những tác phẩm có tầm vóc, mang đậm tính khái quát điển hình.
Kịch Lưu Quang Vũ mở ra không gian đối thoại giữa khán giả với tư tưởng, tình cảm mà ông gửi gắm, thông qua cách nhìn nhận, giải mã và chiêm nghiệm mới mẻ. Mùa kịch Lưu Quang Vũ là nơi gặp lại những tác phẩm đã góp phần tạo nên diện mạo hoàng kim của sân khấu nước nhà và khuấy động suy tư của chúng ta", NSƯT Sĩ Tiến cho hay.
Lương Thu Trang và Thanh Sơn trên sân khấu trong vở "Ông không phải bố tôi".
Theo đó, một số vở kịch của Lưu Quang Vũ sẽ tái ngộ khán giả tới đây như: Ông không phải là bố tôi, Ai là thủ phạm, Hoa cúc xanh trên đầm lầy và Sống mãi tuổi 17… sẽ được diễn ra trong tháng 7, tháng 8.
Các tác phẩm này có các nghệ sĩ sẽ tham gia như: NSƯT Đức Khuê, NSƯT Hoa Thúy, Thanh Sơn, Thu Quỳnh, Lương Thu Trang, Bá Anh, Quang Ánh, Thanh Bình, Thanh Dương, Nguyệt Hằng, Anh Thơ, Chí Huy, Thanh Tú, Minh Cúc, Đức Anh, Du Ka, Hương Thủy…
Nghệ sĩ Thanh Bình và Thanh Dương trong vở "Ông không phải bố tôi".
Ông không phải là bố tôi là một trong những tác phẩm cuối cùng trong sự nghiệp của Lưu Quang Vũ. Vở kịch kể về một người đã chối bỏ vợ con, sau bao năm xa cách cùng nhiều biến cố, ông mới quay về tìm lại gia đình. Kịch nói lên sự thấu hiểu, sẻ chia, tình người mà Lưu Quang Vũ muốn gửi gắm lại từ hơn 30 năm trước vẫn hiện hữu như một chân lý sống.
Các nghệ sĩ tham gia vở "Ai là thủ phạm".
Vở Ai là thủ phạm kể về đời sống thường nhật của người dân thành thị trong những năm 80 của thế kỷ trước ở Hà Nội, chung quanh những mảnh đời nhỏ lẻ ở một khu tập thể có biệt danh "Quân khu Phượng Hà".
Một lớp trẻ sinh ra và lớn lên với nhiều môi trường giáo dục và hoàn cảnh sống khác nhau đã đưa số phận các nhân vật tới những ngã rẽ khác nhau của cuộc đời. Nội dung vở kịch đã phần nào đưa ra lời giải đáp cho câu hỏi "Ai là thủ phạm" của những hiện tượng cá nhân tha hóa, tiêu cực nảy sinh trong đời sống hôm qua và cả ngày hôm nay...
Tú Oanh và Thu Quỳnh trong vở "Ai là thủ phạm".
Hoa cúc xanh trên đầm lầy là vở diễn chứa đựng nhiều yếu tố giả tưởng xoay quanh cuộc tình tay ba giữa Hoàng - Liên - Vân. Những người bạn trẻ thân thiết từng có một thời đầy ắp những kỷ niệm với những bông cúc xanh trên đầm lầy giữa miền quê yên ả.
Vở diễn đề cập đến những cỗ máy trí tuệ nhân tạo đã và đang thâm nhập ngày càng sâu vào đời sống xã hội, giúp mang đến một cuộc sống tiện nghi, hoàn thiện. Nổi bật là thông điệp xuyên thời gian mà vở diễn gửi gắm: "Hạnh phúc, mới thực là điều người ta mong mỏi nhất".
Vở Sống mãi tuổi 17 là tác phẩm kể về anh hùng cách mạng Lý Tự Trọng. Câu chuyện kịch đưa chúng ta trở lại một thời kỳ oanh liệt gần 100 năm trước khi mà đất nước đang chìm trong ách thống trị của thực dân Pháp, khi mà đời sống nhân dân ta một cổ hai tròng, vô cùng cơ cực lầm than.